Đây là cuốn tiểu thuyết vô cùng độc đáo của nữ văn sĩ người Áo , Elfriede Jelinek. Tác phẩm này đã đoạt được giải Nobel danh dự vào năm 2004 bất chấp nhiều sự ủng hộ và phản đối gay gắt của dư luận. Viện Hàn Lâm Thụy Điển kèm theo giải thưởng với lời nhận xét: “Những dòng chảy âm thanh và phản âm thanh đầy kịch tính có trong tiểu thuyết và kịch của Elfriede Jelinek, những tác phẩm với sức mạnh ngôn ngữ phi thường đã phơi bày cái bất hợp lý của những khuôn sáo trong xã hội và uy quyền ngự trị chúng.”

Bằng một văn phong mang nặng tính châm biếm sắc như dao, cách dùng từ trần trụi đến khiêu khích, và lối dẫn truyện ngạo nghễ như ném dung tục vào đời…tác giả đã mở ra cả thế giới nội tâm đầy u uất, bảo tố, và nổi loạn của “cô gái chơi dương cầm”….một người đàn bà đang trong độ tuổi 30, trưởng thành trong cằn cỗi bởi sự khống chế gần như giam hãm của bà Mẹ độc đoán, nghiêm khắc, mang trong đầu ước muốn điên cuồng rằng con gái của mình phải trở thành thần đồng âm nhạc, một nghệ sĩ dương cầm lừng danh trên thế giới!

Câu chuyện vẽ nên một bức biếm họa về mối quan hệ Mẹ – Con vô cùng trái khoáy khác thường, giữa hai người là sợi dây vô hình trói buộc vào nhau ngoằn ngoèo phức tạp, là một tương quan rối rắm giữa hai thế giới…trống rỗng và hổn độn…cả hai chèn ép lên nhau, bức bách nhau và cào cấu nhau!

Người con gái, Erika, chật vật trong lối sống giả tạo theo một hình mẫu của bà Mẹ đáng kính đã dựng nên. Nội tâm như bị chôn chặt dưới lớp “xác ướp” mà mỗi cử động hay hình thức đi-đứng-ăn-mặc đều nhất nhất tuân theo một khuôn rập được bà Mẹ tận tụy rèn đúc, nàng vùng vẫy tìm kiếm chính mình…cái bản ngã đã chìm xuống thật sâu và được che đậy đầy xảo trá bởi vẻ bề ngoài nghiêm trang đạo mạo. Bản năng đó đã bị người Mẹ dùng tình mẫu tử thiêng liêng đè bẹp, để rồi hàng đêm nàng lén lút thức dậy ngắm những chiếc váy màu sặc sở nằm trong tủ áo nhưng chưa bao giờ được mặc, để rồi khi những khao khát gào thét dưới tầng sâu của “xác ướp”..nàng đã lén lút rình mò những cặp trai gái yêu đương, và để giái tỏa những điều câm nín đang hoành hành mãnh liệt bên trong tiềm thức nàng đã âm thầm tìm khoái cảm bằng cách thường xuyên tự cắt vào tay mình…nhìn máu chảy để mà tĩnh tâm tận hưởng niềm đê mê của nổi đau, chỉ có sự tuôn chảy của dòng máu đỏ nàng mới cảm nhận được sự sống, chỉ có nổi nhức nhối trên da thịt thật sự khẳng định bằng những giọt máu đang nhỏ xuống mới đánh thức được cảm xúc đã chết trong nàng!

“Cô gái chơi dương cầm” là quả bom nổ tung tóe những cấm kỵ và mặt trái của xã hội Áo, cái thật lôi ra từ lớp vỏ giả tạo được kể bằng một giọng điệu tỉnh bơ trâng tráo, thản nhiên một mạch theo một tiết tấu linh hoạt, thản nhiên như sự thật là sự thật…như có một lần Erika tự mình đi coi phim khiêu dâm, như cái kiểu phát tiết của nàng bằng cách đánh Mẹ, và kỳ quặc hơn hết là mối tình hết sức bệnh hoạn giửa Erika với cậu học trò Klemmer…họ đến với nhau bằng cách tự hành hạ mình, hành hạ lẫn nhau, và hành hạ người khác. Tình yêu đó như một trò chơi tình dục tàn bạo giữa hai con người đều bị kềm hãm ức chế trong những rối reng của đời mình.

Thái Chi