Đây là một cuốn truyện dài cực ngắn của nhà văn Pháp, Maxene Fermine, viết về một thanh niên Nhật Bản có tên Yuko và giấc mộng trở thành thi sỉ haiku của anh. Lời văn du dương như dòng nhạc…cô động như một bức tranh tuyệt vời về cái đẹp và tình yêu….đẹp như một bài thơ và trắng xóa như Tuyết! Lời lẽ súc tích, trong sáng và phẳng lặng….trắng ngần như Tuyết!

”Tuyết trắng. Thì tuyết là thơ. Là thơ với sự trong trắng vô ngần.
“Tuyết làm thiên nhiên đông đặc và che chở thiên nhiên. Thì tuyết là họa. Bức họa mỏng mảnh nhất trong mùa đông.
“Tuyết luôn luôn biến thái. Thì tuyết là thư pháp. Có muôn nghìn cách để viết ra chữ tuyết.
“Tuyết trơn trượt. Thì tuyết là vũ điệu. Mọi người đều có thể nghĩ rằng mình là một kẻ đi dây trên tuyết.
“Tuyết tan thành nước. Thì tuyết là nhạc. Vào mùa xuân, tuyết biến các dòng sông các con suối thành những giao hưởng khúc với những nốt nhạc trắng.”

Tác phẩm này là một hành trình đi tìm sự tuyệt hảo của thơ và Tuyết, của màu Tuyết trắng xóa và những cảm nhận trong suốt về cái đẹp, dòng chảy của thời gian, và sự hiện hữu tuyệt vời của một tình yêu vĩnh hằng……mong manh như sự chết, đẹp như thi ca, dịu dàng như giấc mơ…và trong trắng như Tuyết!

“Soseki không bao giờ xuống núi. Ông nằm xoải trên băng giá bên cạnh người yêu và nhắm mắt lại”

Yuko có khuyên ngăn ông về sự điên cuồng đó nhưng người thầy chỉ đáp lại với giọng bình thản:

“Hãy để mặc thầy. Thầy đã tìm ra cái chỗ của thầy. Cho sự vĩnh hằng.”
Rồi ông thiếp ngủ bên cạnh thi thể còn nguyên vẹn của người thiếu phụ.
Khi ông chết, ông để cho màu trắng của thế giới xâm nhập ông.
Ông hạnh phúc.
Nơi cao độ của trái tim. ”

Chỉ vỏn vẹn có ba phần với vài chương cực ngắn nhưng đã cô động một cách thật đầy đủ triết lý của cuộc đời. Từng câu văn ngắn gãy gọn…đẹp như lời thơ, những lời thơ mang tính nhạc, nối tiếp nhau thành từng chuỗi ngọc…tựa những mắc xích trong suốt giữa thực và mộng…đan vào nhau, chồng chéo lên nhau…

Chàng trai trẻ Yuko lớn lên yêu thơ haiku nhất trên đời ôm mộng trở thành thi sĩ, yêu số bảy và màu trắng xóa của tuyết…màu trắng duy nhất trong những bài thơ haiku 17 chữ, màu trắng tinh khiết nhưng vô vọng…màu trắng trong suốt đến vô hình. Yuko đã tìm đến một bậc thầy của nghệ thuật để học cách đem màu sắc vào trong những bài thơ trắng xóa, Soseki, hiệp sĩ và vĩ nhân của nghệ thuật, thi ca, hội họa, và vũ đạo…một người đạt đến đỉnh tuyệt đối của tất cả những gì thuộc về nghệ thuật, một người mù!

Soseki đã yêu tha thiết một nghệ sĩ đi dây gốc Âu, Tuyết…

“Tuyết đã trở thành nghệ sĩ đi dây vì nỗi bâng khuâng về sự thăng bằng. Nàng, mà cuộc đời trải ra như một khúc dây quanh co, lấm tấm những gút thắt do sự ngẫu nhiên uốn lượn và sựphẳng lặng của kiếp sống thắt buộc hay cởi mở, nàng xuất sắc trong nghệ thuật tế nhị và nguy hiểm của trò cất bước trên một sợi kẽm căng thẳng…

“Đó là định mệnh của nàng.
Tiến tới từng bước một.
Từ đầu này tới đầu kia của cuộc đời.”

Họ đã xây tổ uyên ương trong bình yên và tĩnh lặng, trong màu tuyết trắng xóa của xứ Phù Tang. Nhưng con người không bao giờ cảm thấy đầy đủ ngay trong lúc họ được đầy đủ nhất, người ta không thể cảm nhận hạnh phúc một cách thỏa mãn triệt để ngay trong những thời điểm mà hạnh phúc đang phủ chụp một cách tuyệt đối toàn diện và trong suốt…Chính vì cái nghịch lý đó mà người nghệ sĩ đi dây đang sống trọn vẹn trong tình thương từ kẻ thân yêu nhất đã không cảm thấy trọn vẹn, nàng muốn lại được tìm đến sự thăng bằng khi bước từng bước trên cạnh sắc bén của cuộc đời. “Nàng chưa một lần bị sẫy chân…nhưng chính sợi dây ngoan nghiệt đã bị đứt”…tuyết trở thành ngôi mộ pha lê kỳ ảo nhất của nàng!

Soseki đã trải gần hết cuộc đời để vẽ lại khuôn mặt đã đánh mất…đó là tình yêu duy nhất, là mối liên hệ chung thủy giữa nghệ thuật tuyệt đối và cái đẹp đã chết, là màu của tâm thức hư không…màu trắng xóa tinh bạch…như Tuyết!

Thế nhưng khi ta ngỡ nhìn thấy tất cả là lúc ta thật sự chẳng lãnh hội được gì, khi ta đứng trong vùng sáng chói lòa là lúc tâm bị chi phối nên chẳng thể nhận dạng sắc màu trước mắt. Vi lẽ đó Soseki đã vẽ mãi không ra nổi màu trắng cho đến khi cặp mắt mù lòa, “và trong tận cùng của sự mù loà, ông đã hoạ được bức chân dung trắng nhất và đẹp nhất”. Khi đã bị mất ánh sáng, “trong sự đen tối nhất Soseki đã hoạ được màu trắng, đã phát hiện được sự tinh khiết!”

Câu chuyện xúc tích như một bức tranh khóc cười tuyệt đẹp, như một bài thi ca nên thơ nhất của cái đẹp vươn đến tuyệt đối…nơi nghệ thuật đạt đến đỉnh cao bởi tình yêu ngự trị nơi cao độ nhất trong trái tim! Đó là những điệu ru triết lý mang đầy chất lãng mạn, là những gam màu đẹp nhất của tâm hồn và hình thể cuộc sống với chiều sâu đến tận cùng, bao la đến toàn diện, và gói gọn đến hoàn mỹ cảnh giới sống và chết, tình yêu và cái đẹp, nghệ thuật và đỉnh cao của tâm thức, màu trắng của hư vô và những sắc màu ở nội tại.

Khi ta thấu triệt được cái đẹp trong tâm hồn là lúc ta có thể nhắm mắt lại mà vẫn nhìn thấy đầy đủ những sắc màu…”Màu sắc không ở bên ngoài. Nó ở trong ta. Chỉ có ánh sáng là ở ngoại tại”.

Khi ta cảm nhận chung quanh từ chính tấm lòng thì…”Ánh sáng ở nội tại, ánh sáng ngụ trong ánh sáng. Nhưng màu sắc thì ở bên ngoài.”

Cuối cùng Yuko đã thấy những sắc màu khác bên cạnh màu của Tuyết!
Cuối cùng sự học của anh đã đơm hoa kết quả…những “quả vàng, quả bạc, và quả mộng”!

Và cuối cùng…”Yuko đã trở thành một nhà thơ toàn hảo. Các bài thơ haiku của anh không còn độc một sắc trắng vô vọng nữa. Mỗi bài thơ gồm cả sắc phổ của cầu vòng. Thi phong của anh trong suốt, cao quý. Và tươi tắn. Thế nhưng địa hạt tim anh lạ lùng thay vẫn giữ nguyên một màu trắng”.

Thái Chi