Album: Khúc tình xưa
Ca sĩ: Lệ Quyên

Có lẻ Lệ Quyên là một trong những ca sĩ mà tôi yêu thích nhất hiện nay. Đó là tiếng hát đã từ lâu tôi luôn hình dung trong trí tưởng tượng và mong một ngày nào sẽ được nghe….chất giọng khàn mà không khô, cao vút và mạnh nhưng tính chất mạnh và cao đó không vì thế mà mất đi sự mềm mại, vẫn giữ được sức truyền cảm và lôi cuốn.

So sánh với danh ca Khánh Hà, Lệ Quyên mang được cái ngọt vào trong chất khàn điều này làm dịu đi thính giác của người nghe cho nên khi muốn nghe Lệ Quyên tôi không đắn đo trong sự lựa chọn tâm trạng, thời gian, hay khung cảnh nửa. So sánh với tiếng khàn “ma túy” của Khánh Ly, thì Lệ Quyên..theo một cảm nhận mơ hồ khó cô động lại thành lời…đã mang được sự dìu dặt trôi nổi vào trong không gian, trong khi đó đôi lúc Khánh Ly ngược lại với giọng ca bất hủ đã dường như trở thành một cố hửu cố định…tựa một đường thẳng tắp, điều hòa đến đơn điệu!

Điều thứ hai cần nói ở đây là đa số các album của Lệ Quyên đều được thu âm và hòa âm rất tỉ mỉ, phòng thu chất lượng chứng tỏ người ca sỉ đã bỏ tâm tư vào tác phẩm của mình.

Khi hay tin Lệ Quyên sắp phát hành “Khúc tình xưa” và nhìn vào track list thì tôi cảm thấy rất thú vị và nôn nao chờ đợi, tôi không ngạc nhiên lắm khi thấy Lệ Quyên chọn những ca khúc có vẻ đi ngược dòng thời gian này bởi vì Lệ Quyên xuất thân từ gia đình có lịch sử hát chèo.

Khúc dạo nhạc đầu tiên…với tiếng mưa rơi và lời hát “đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hạt rơi…” trong khoảnh khắc Lệ Quyên đã đưa tôi vào đêm…bàng bạc nổi nhớ và kỷ niệm, trong khoảnh khắc tôi đã thấy lòng mình vời vợi chất ngất trăn trở và xót xa, đã thấy đêm trắng xóa những nổi niềm…đây chính là điểm khác biệt giữa những ca sỉ..là khả năng chuyên chở tư tưởng để dẫn dắt cảm xúc của người nghe…đó là cái hồn mà người hát đã có thể truyền đạt vào ý thơ để khiến hai đơn vị thời gian ngược dòng và không gian trở về với nhau, hòa thành một!

Với tiếng guitar réo rắc trong “Tình lỡ”, Lệ Quyên đã đưa nền âm nhạc mang đậm tính tự sự đời thường vàng son một thời của miền Nam lên cao một giai tầng quý phái, “phương trời mình đi xa thêm xa, nghe vàng mùa thu sau lưng ta..” trở thành một khúc giao hưởng buồn mênh mang…nổi buồn đài cát!

Tuy nhiên “Ngọn trúc đào” với “echo” quá lớn và tiếng trống có vẻ dồn dập lạc điệu đã làm cho dòng cảm xúc kết thúc ngưng đọng một cách vụng về. Dù sao nếu nhìn toàn diện từ Mưa nửa đêm, đến Tình lỡ, Buồn, Chiếc là cuối cùng, Ào ảnh, Tình đời, và Mùa đông của anh đi đôi với âm thanh đạt chất lượng audiophile, kỹ thuật hòa âm phối khí rất sáng tạo, và tiếng hát đầy sức chinh phục của Lệ Quyên, “Khúc tình xưa” đã làm sống lại một giai đoạn lịch sử quý báo giá trị của nền văn hóa gần gũi miền Nam. Theo đánh giá của riêng cá nhân tôi, Lệ Quyên mới chính là một Diva đích thực.

Thái Chi