Album: Biển ơi
Ca sĩ: Trịnh Hoàng Hải

Giữa tôi và album này là một câu chuyện nhỏ phía sau, cứ ngỡ đã không còn cái duyên “tri âm” nửa, nhưng nếu chỉ xuôi tay tùy theo một chữ “duyên” thôi dường như chưa đủ, dù sao vẫn cần thêm một chút tâm ý và tấm lòng…và có như thế mới có thể làm nên “tao ngộ”!

Nhận được album vào buổi chiều…trong lòng hồi hộp, nổi hồi hộp của “người nghe” một lần nữa gặp lại “tiếng hát”..mà đã một lần sự đồng cảm dẫn đưa mối “tri âm” này vượt khỏi không gian 3 chiều…để cùng gặp nhau ở một chiều thứ 4 bằng những cảm xúc…chỉ có âm nhạc mới lý giải nổi!

Đợi đến tối cho không gian yên tĩnh và dòng điện cũng theo sự lắng đọng của một ngày đã hết mà phát ra năng lượng một cách ổn định. Pha ly cafe, mở Tube Amplifier…ngồi chờ 30 phút cho máy ấm (có như vậy máy mới phát ra chính xác và đúng chất lượng của âm thanh)…Tôi làm những việc này từ từ như muốn tận hưởng niềm vui của một người yêu nghệ thuật đang sắp sửa được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật…

Tiếng đàn guitar cất lên…đưa cảm xúc của lần nào khi nghe “biển hát” ào ạt trở về, vẫn giọng “ru em” ấm áp huyền hoặc, vẫn tiếng ngân nga ì ầm như nhịp sống của đời đang trôi rất thật bên ngoài khung cửa..vẫn lối gãy đàn như xé toạc không gian…xuyên thẳng vào tim…vẫn tiếng hát ấy…hôm nay “Ru đời đi nhé”….

“Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em, đã nương theo vào đời làm từng nổi ưu phiền”…đúng như lời Trịnh Hoàng Hải nói, “nhạc Trịnh đầy rẫy những mộng mị” và tình yêu “Em” mãnh liệt chan chứa nổi đau cùng với muộn phiền. Có lẽ chất giọng từng trãi và có chiều dày..tích lũy đủ 3 chiều cuộc sống của Trịnh Hoàng Hải là thích hợp nhất cho những điệu ru mênh mang một tình yêu thiết tha hòa với triết lý sống đầy nhân bản trải đều trong dòng nhạc sáng dịu lòng vị tha của người nhạc sĩ họ Trịnh mang một trái tim yêu rất đỗi từ tâm này!

Nếu nghe bằng cõi lòng thì chừng đó đã đủ, nhưng nếu nghe bằng sự cầu toàn của một người hướng đến nghệ thuật để có một đánh giá công bằng cho nghệ thuật thì “Biển ơi” đã phụ tình “tri âm” của tôi! “Biển ơi” đã phá hỏng tiếng hát (mà theo tôi là có một không hai) của Trịnh Hoàng Hải một cách thảm hại! Sau khi nghe hết bài cuối cùng, tôi đã ngồi lặng một lúc lâu…từ từ xua tan nổi thất vọng đang tràn ngập cả căn phòng, thất vọng vì đã không thể tao ngộ cùng tiếng hát ở một chiều thứ tư thêm lần nửa…

“Biển ơi” thất bại không phải vì tiếng hát bởi tiếng hát vẫn cho tôi những rung động với ca khúc đầu tiên, mặc dù ngay ở bài đầu tiên tôi đã phát hiện có sự khác biệt rất lớn về chất lượng thu âm so với album “Biển hát” (mà chỉ khi nào dùng audiophile system mới nhận ra được).

“Muôn trùng biển ơi” đã đánh thức tôi ra khỏi cơn mộng, có cảm giác ngơ ngác bàng hoàng như đang từ thế giới này bị đẩy bật vào thế giới khác…thế giới không còn âm hưởng của Trịnh Công Sơn! Nếu Trịnh Hoàng Hải có thể nhận định nhạc Trịnh mang tính “thiền” và tính triết lý thì phải chăng nên giữ nguyên sự tĩnh lặng vốn là linh hồn của nhạc Trịnh…tĩnh lặng để lắng nghe cuộc sống ngoài kia đang trỗi nhịp tự nhiên…tĩnh lặng và trong suốt như một bài “thiền” mới có thể tách ra khỏi những hổn độn cuộc đời để tĩnh tâm nhìn thấu cuộc đời, và tĩnh lặng mới lắng nghe được tiếng biển..trò chuyện với biển!. Nhạc Trịnh như dòng âm thanh thuần khiết một màu, chính sự giản dị đó đã làm nổi bật lên cái vô thường của vũ trụ. Thế mà ngoại trừ bài thứ nhất, còn lại toàn bộ những bài khác đều được hòa âm theo một bài bản giống hệt nhau, bài nào cũng đều một loại tiết tấu và giai điệu ồn ào hổn loạn…rất là “điện tử” trong khi đó nhạc Trịnh chỉ thích hợp với phong cách “acoustic”. Chưa kể đến chất lượng thu âm rất kém chỉ đủ tiêu chuẩn để nghe trong xe hơi hoặc những máy nghe nhạc thuộc vào loại “mass production” mà thôi. Tôi so sánh với album “Biển hát” thì rõ ràng lần này đã dùng phòng thu âm khác!!! Thật là đáng tiếc! “Biển hát” hoàn hảo bao nhiêu thì “Biển ơi” là một đối ngược hoàn toàn!

“Một cõi đi về” cũng vậy, tôi đã khao khát biết bao nhiêu mong được nghe THH hát bởi tôi tưởng tượng ông sẽ là người truyền đạt bài này thấm thía nhất, thế mà tiếng hát của ông lạc mất hút trong tập hợp những hòa âm phối khí chẳng ăn nhập gì với nhạc Trịnh, tôi lắng tìm tiếng hát của ông để lắng nghe cảm nhận của mình nhưng tôi đã tìm kiếm vô vọng. “Một cõi đi về” đã không thể chuyên chở được nổi niềm bàng bạc…hun hút của “bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quoanh cho đời mỏi mệt”!

“Tình xa” bị hủy hoại bởi lối hòa âm không thay đổi, nên dù giọng hát có lôi cuốn thiết tha cách mấy vẫn không cảm được nổi buồn vằng vặc mênh mông khi “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa”.

“Môi hồng đào” có lẻ là weakest track. Theo tôi lời hát và ý nghĩa của nó không vừa vặn với tính chất của Trịnh Hoàng Hải. Tôi hơi ngạc nhiên khi ông chọn bài hát này.

Ca khúc cuối cùng “Vẫn có em bên đời”…cũng là tia hy vọng cuối cùng..bởi vì đây là một bài hát bao la tính đời, đẹp nhẹ nhàng mong manh, đẹp vương vất như “gặp nhau giây phút trong đời ấy, nổi gì bâng khuâng vướng chân hoài”..câu chuyện đó cần một chất giọng mạnh mẽ đầy che chở, từng trải vỗ về..giống như Trịnh Hoàng Hải mới có thể biến “mỗi vết thương lành một nổi vui…”. Thế mà khi tiếng nhạc trỗi lên cũng là lúc hy vọng còn sót lại phụp tắt bởi ca khúc và điệu nhạc đã là một kết hợp kệch cỡm làm sao có thể vẽ nên một bức tranh “thiền” trong cõi hư không…”dù em có bước không thành tiếng, cõi đời bao la vẫn ngân dài”!

Nốt nhạc sau chót đã tắt…tôi ngồi ôn lại dư âm của “Biển hát” và thầm ước ao…cũng với những ca khúc này giá mà Trịnh Hoàng Hải hát lại một lần nửa theo đúng tính chất “thiền” và thuần nhất một gam màu tự nhiên của nhạc Trịnh, thì có thể sẽ trở thành một tác phẩm độc đáo bởi vì chất giọng của ông vốn dĩ độc đáo, có một không hai, và bởi dòng nhạc Trịnh không phải ai ai cũng hát được.

Thái Chi